Chào mừng kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11!
Dân tộc ta vốn có truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”; “tôn sư trọng đạo”, truyền thống tốt đẹp đó đã trở thành một đạo lý cao cả, thiêng liêng, thấm sâu vào trong nhận thức, tình cảm của mỗi người dân Việt Nam.
Bác Hồ thăm đại biểu giáo viên toàn miền Bắc năm 1958
Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 chính là ngày thể hiện đạo lý ngàn năm ấy. Vì thế, đã từ lâu ngày 20/11 không chỉ là ngày hội của riêng ngành giáo dục mà còn là ngày hội lớn của toàn xã hội. Đây là ngày hội quan trọng nhằm tôn vinh nghề dạy học, tôn vinh các nhà giáo; những người làm công tác giáo dục; đồng thời thể hiện sự quan tâm của toàn xã hội đối với"những kĩ sư tâm hồn", biểu thị truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam ta.
Ngày 20/11 có một lịch sử hết sức tốt đẹp, thật đáng tự hào đối với các nhà giáo tiến bộ trên thế giới nói chung và với các nhà giáo Việt Nam nói riêng. Năm 1946, để đấu tranh chống lại những quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu, phản dân chủ, phản khoa học, các nhà giáo tiến bộ trên thế giới đã liên kết lại để thành lập“Liên hiệp các công đoàn giáo dục quốc tế” (Tên viết tắt tiếng Anh là FISE ) đặt trụ sở tại Pa ri (Pháp). Năm1949, tại hội nghị ở Vaxava- thủ đô Ba Lan, hội “Liên hiệp các công đoàn giáo dục quốc tế” (FISE) đã xây dựng bản “Hiến chương các nhà giáo quốc tế” gồm 15 chương, Bản “Hiến chương các nhà giáo quốc tế” đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của chính quyền và nhân dân nhiều nước trên thế giới, nền giáo dục của nhiều nước đã thực thi bản hiến chương này và đã đẩy lùi được những quan điểm sai lầm trong giáo dục, đưa nền giáo dục của nhiều nước phong kiến, tư bản trở thành nền giáo dục tiên tiến.
Năm 1953 nước Việt Nam dân chủ cộng hoà cũng đã chính thức công nhận bản hiến chương này và gia nhập tổ chức “Liên hiệp các công đoàn giáo dục quốc tế”. Do tính chất đúng đắn và cực kỳ tiến bộ của bản“Hiến chương các nhà giáo quốc tế” năm 1957, hội nghị quốc tế các nhà giáo lần thứ 2 họp tại Vacxava đã quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày “Quốc tế hiến chương các nhà giáo” nhằm tôn vinh nghề dạy học và củng cố, phát triển mạnh mẽ nền giáo dục tiến bộ trên toàn thế giới .
Đối với Việt Nam, do hoàn cảnh đất nước còn bị chia cắt, năm 1958, lần đầu tiên ngày Hiến chương các nhà giáo quốc tế được tổ chức trên toàn miền Bắc. Sau năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, ngày 20/11 được tổ chức rộng rãi trên toàn quốc. Dưới sự chỉ đạo, quan tâm của các cấp uỷ Đảng, Chính quyền, đoàn thể và nhân dân cả nước, ngày hiến chương các nhà giáo quốc tế đã được tổ chức đều đặn hàng năm với nhiều hình thức phong phú, bổ ích, thiết thực và thực sự trở thành ngày hội lớn của dân tộc nói chung và của Nhà giáo nói riêng.
Do tính chất và mục đích tốt đẹp của ngày hiến chương các nhà giáo quốc tế, thể theo nguyện vọng của nhân dân và các thầy cô giáo Việt Nam, năm 1982, Bộ giáo dục và đào tạo đã chính thức đề nghị Hội đồng bộ trưởng (nay là Chính phủ) nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là “Ngày nhà giáo Việt Nam”. Lễ kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam đầu tiên được Đảng, nhà nước, Bộ giáo dục và đào tạo tổ chức hết sức trọng thể tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội vào ngày 20/11/1982 buổi lễ mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện quan điểm của đảng, nhà nước về vị trí, vai trò của Nhà giáo trong sự nghiệp đào tạo lớp người mới xây dựng chủ nghĩa xã hội bảo vệ tổ quốc.
Sau mỗi dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, toàn ngành Giáo dục, từng thầy cô giáo đã được động viên khích lệ, về cả vật chất lẫn tinh thần để vượt qua khó khăn gian khổ, thi đua dạy tốt, rèn luyện phẩm chất trong sáng để “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”. Trong ngày này, mọi cấp, mọi ngành, các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, các thế hệ học sinh đều hướng về ngành giáo dục, hướng về các thầy, cô giáo với tấm lòng tôn kính và những tình cảm chân thành nhất.
( Nguồn: http://huyenuy.namtramy.quangnam.gov.vn/Default.aspx?tabid=1292&Group=210&NID=8238&huong-den-ky-niem-4-nam-ngay-nha-giao-viet-nam-2-11-1982-2-11-2-22)
Nhân dịp kỷ niệm ngày 20/11, Thư viện trường Tiểu học Lạc Nghiệp trân trọng giới thiệu bạn đọc những câu chuyện hay:
Cô giáo nhỏ Đồng Tháp Mười
Cô giáo lớp em - Những người sống quanh em
Bộ sách gồm nhiều cuốn truyện nhỏ sẽ giúp các em làm quen và hiểu rõ hơn về các ngành nghề trong xã hội. Qua những câu chuyện hấp dẫn, dễ thương và những tranh minh họa sinh động, các bé sẽ hiểu tường tận hơn từng loại hình công việc, yêu hơn và tôn trọng hơn những người sống quanh bé, từ những cô công nhân vệ sinh đường phố, chú thợ điện đến bác bán phở, bác làm bánh, từ chị giúp việc nhà đến các chú bác sĩ, các cô kỹ sư…
Bộ sách là một món quà quí giá và vô cùng bổ ích để hoàn thiện thêm kỹ năng sống, kĩ năng giao tiếp… của các bé trong tương lai.
Ngày em tới trường: tập truyện ngắn/ Lê Phương Liên
Gồm những câu chuyện ngắn: Ngày em tới trường, Câu hỏi trẻ thơ, người chỉ đạo thực tập, Kỷ niệm của người phụ trách thiếu nhi,...
Lớp học của anh Bồ Câu Trắng
Tập truyện viết cho thiếu nhi của nhà văn Thy Ngọc. Là một trong những người sáng lập ra Nhà xuất bản Kim Đồng (cùng với Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng...) và gắn bó cuộc đời với nhà xuất bản.
Tập truyện “Lớp học của anh bồ câu trắng” có 151 trang bao gồm 5 câu truyện ngắn. những câu chuyện đồng thoại trong sáng và giản dị của nhà văn khiến cho bạn đọc nhỏ tuổi thấy thú vị và yêu thích: Mùa Xuân là của chúng ta, Chiếc thuyền lá tre, Đôi cánh của Ngựa Trắng... và đặc biệt là Lớp học của anh Bồ Câu Trắng - một trong những tác phẩm được xuất bản ngay sau khi thành lập nhà xuất bản Kim Đồng (17/6/1957) như một món quà kỉ niệm ý nghĩa...
Lớp học của anh bồ câu trắng của tác giả Thy Ngọc xôn xao nhứng bài học i tờ gợi lại thuở bình dân học vụ nơi mà những nguời đứng lớp là thầy giáo bồ câu, học sinh là những vật nuôi thân thuộc như lơn, gà, trâu, bò cùng gieo vào trí nhớ của bao thế hệ măng non. Truyện được xây dựng dựa trên sự kiện có thật của phong trào bình dân học vụ đấy lùi nạn mù chữ ở nước ta cuối năm 1945 đến những năm 1954 - 1960. Ở lớp học đó thầy giáo có khi là những người lớn tuổi nhưng ở nhiều lớp thầy giáo chỉ là những cô bé, cậu bé vừa học hết tiểu học. Nhà văn Thy Ngọc đã mượn những hình ảnh đấy để xây dựng lên lớp của anh bồ câu sinh động và xúc động nhiều thế hệ độc giả.
Hy vọng cuốn sách sẽ mang đến cho các bạn những giây phút ngọt ngào hạnh phúc kéo chúng ta trở về với tuổi hồn nhiên trong sáng, Hiện nay, cuốn sách đang có trong thư viện nhà trường, mong các bạn hãy đến và tìm đọc
Thơ thiếu nhi dành cho bé - Chủ điểm trường lớp
Cuốn sách tuyển chọn những bài thơ thiếu nhi hay nhất cùng với tranh minh họa sinh động, bám sát chủ đề trường lớp. Giáo viên và phụ huynh có thể chọn lựa các bài ngắn - dài khác nhau phù hợp với độ tuổi và tâm lý tiếp nhận của con em mình.
Đường em đến lớp
Đọc tập thơ “Đường em đến lớp”, chúng ta bắt gặp nhiều hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp, ngộ nghĩnh được nhà thơ viết bằng sự xúc động qua cái nhìn tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng: bông hoa, cánh bướm, hạt sương, tiếng chim, dòng sông, mặt biển, cánh đồng, quả na, quả ổi, cơn mưa, hạt nắng… tất cả đều hiện lên lung linh, tươi thắm sắc màu. Qua hạt mầm bé nhỏ trong buổi sớm tinh khôi, nhà thơ đã khơi gợi cho các em khát vọng sống, vươn lên trong cuộc đời:“Ơ bông hoa đẹp/ Kìa cánh bướm xinh/ Mầm rướn cổ nhìn/ Cao hơn… một chút” (Mầm xanh). Thiên nhiên trong “Đường em đến lớp” là cả thế giới của tuổi thơ êm đẹp nên bao giờ cũng sống động và gần gũi với tâm hồn các bạn nhỏ.
Đường em đến lớp” còn là tập thơ thể hiện tình cảm yêu thương và những bài học cuộc sống mà tác giả gửi gắm, sẻ chia với các bạn nhỏ.
Đây cũng là dịp để các thầy cô giáo trong ngành giáo dục thêm tự hào về truyền thống của ngành, cố gắng nỗ lực vượt qua thử thách và khó khăn, nguyện làm tròn nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ, giáo dục thế hệ trẻ trong sự nghiệp trồng người, góp phần đào tạo nguồn lực tương lai của đất nước ngày càng phát triển đáp ứng trong thời kỳ mới.
Thư viện hân hạnh phục vụ quý bạn đọc!